Monday 31 August 2020

Chiến trường văn hoá

Đọc bài này mà rưng rưng. Đôi khi những kẻ mạnh miệng ý kiến ý cò về cuộc đời bạn nhất, lại là những người thân thiết nhất, mà cũng vô tình hủ bại nhất.

Đến cuối cùng, chỉ có bạn là thương bản thân mình nhất thôi, cũng chỉ có bạn chịu trách nhiệm với số phận của mình, không phải ai khác, không thể đổ lỗi cho bất kỳ người nào xung quanh cả.

Nghiệp từ mồm người khác, từ đầu óc của người khác, nếu ta rước về, thì đó là trách nhiệm của ta thôi. Có ai cảm thông thì cảm ơn, ai đưa tay giúp đỡ thì báo đáp, không có ai cũng không được oán trách, mà phải cố dũng cảm tìm cách sống tiếp với những lựa chọn của mình.

26 tuổi, học cách nhẫn tâm với những do dự của bản thân.

---

Tôi từng được nghe kể rất nhiều những câu chuyện khiến lòng này vô cùng giận dữ.

Chẳng hạn như cô con gái và cậu con trai cùng với tay gắp đồ ăn, người cha đập thật mạnh vào đũa của cô con gái.
Chẳng hạn như vào một đêm khuya vắng lặng nọ, tiếng khóc nức nở của cô bạn thân ở đầu dây bên kia dội vào tai tôi, gia đình ép cô ấy phải lấy con trai của một kẻ giàu hợm hĩnh.
Chẳng hạn như xung quanh tôi có rất nhiều người trẻ đang xông xáo sự nghiệp ở phương xa lại bị cha mẹ ép phải về nhà, tiền lương nhận được ở công ty mới chỉ bằng con số lẻ ban đầu. Năm này qua năm khác, ánh sáng nơi mắt họ dần chìm vào tăm tối.

Về sau, tôi viết đôi dòng chia sẻ, những con chữ ấy được đọng lại từ nỗi oán thán, giận hờn.
Nhưng có vô số cảnh ngộ mà tôi chẳng thể tượng tượng, lại xuất hiện ở phần bình luận dưới mỗi áng văn tôi viết.

Có một bé gái vừa sinh ra hai ngày đã bị cha mẹ chôn sống, đúng vậy, là chôn sống. Nguyên nhân ư? Là bởi đôi cha mẹ đó tin rằng chỉ cần con gái họ chết thảm trong sự hung tàn thì sẽ chẳng còn bé gái nào dám đầu thai vào nhà họ nữa.

Có một bạn nữ kể rằng, cô ấy bị cha mẹ ép về quê ngay khi vừa tốt nghiệp, không được trang điểm, không được ra khỏi nhà quá chín giờ rưỡi tối, không được đi du lịch ở nơi xa quá một ngày, vắt óc nghĩ ngợi nên mai mối cô ấy cho con trai của ông này ông kia.

Còn có một bạn nữ nọ, mẹ cô ấy vờ bị bệnh để ép cô ấy từ chức về quê, khi bị cô ấy phát hiện, định xách hành lí bỏ trốn lại bị mẹ giật lại, sau đó giấu hết chứng minh thư, bằng tốt nghiệp, thẻ ngân hàng, để cô ấy không tìm được việc làm, rồi ép cô ấy đi làm lao động thời vụ cho một ngân hàng tại địa phương.

Tôi thấy mình chẳng giúp ích được gì cả, bởi cho dù tôi viết hay không viết, thì những đau thương, bi kịch ấy vẫn xảy ra hàng ngày.
Tôi cũng từng nhận được vô số lời nhắn mang cùng một nghĩ suy: "Viết vài ba thứ này làm gì không biết, mấy kẻ đó có xem weibo đâu."
Họ nói đúng. Kẻ chôn sống con gái kia, kẻ nuôi nhốt con cái kia, kẻ cướp bằng tốt nghiệp của con gái kia, họ không xem weibo.

Nhà báo Lâm Thiên Hoành cũng từng bình luận về ngành truyền thông như sau:
"Mẹ nó chứ công cốc hết cả, người bị bài viết của anh ảnh hưởng chỉ là những người muốn bị ảnh hưởng, họ chỉ là con số cực nhỏ thôi."
Đây là sự bất lực của những con chữ.

Kẻ địch của chúng ta là quy tắc của cả cái xã hội hủ bại, lạc hậu này.
Người ủng hộ cái xã hội cũ ấy là những bà hàng xóm không bao giờ xem điện ảnh, chỉ chăm chăm chú ý mấy bộ phim truyền hình về mẹ chồng nàng dâu, là những cô chú lớn tuổi không bao giờ lướt weibo, chỉ răm rắp nghe theo mấy tin đồn nhảm nhí phủ đầy wechat, là những phụ huynh, họ hàng chẳng chịu trông theo những bước tiến hàng ngày của thế giới, chỉ giữ khư khư cái quan niệm tự cho là đúng đắn của mình.
Đây không phải trận chiến của một người, nơi tiền phương tôi đang đứng, có vô số nhà văn, đạo diễn, hoạ sĩ, ca sĩ vĩ đại đã chiến đấu hết mình, ra sức tấn công cái thế giới ấy hết lần này đến lần khác.

Nhưng cái thế giới này vô cùng tồi tệ, nếu chỉ có những chiến sĩ cầm bút chiến đấu, thì sẽ chẳng cứu được nó đâu. Bởi kẻ thù của chúng ta không nghe thấy.

Bởi vậy mà nhiều năm về trước, Lỗ Tấn từng nói: "Mong cho tất cả thanh niên Trung Quốc sẽ thoát khỏi hơi lạnh, ta cứ bước hướng về phía trước, không cần lắng nghe lời của những kẻ cam lòng với thực tại, không có chí tiến thủ kia. Một phần nhiệt huyết, là một phần ánh hào quang."

Internet là chiến trường của chúng ta, đúng là thế. Nhưng chiến trường rộng lớn hơn cả là phòng khách, là phòng làm việc, là nơi tổ chức đám cưới, là bệnh viện, là trường học, là cuộc sống bình thường, phổ thông của mỗi một con người.
Trong mỗi một gia đình, mỗi một chức vị công việc, ai cũng có thể sử dụng lời nói và chọn lựa của mình để mài một con dao sắc, đâm thẳng vào thế gian mục nát này.
Trong tim của mỗi chúng ta đều có một ngọn lửa bùng kia mà, không thì tại sao Tôn Ngộ Không lại là anh hùng của hàng ngàn hàng vạn con người?
"Tôi sinh ra đã là kẻ tự do, ai dám vênh váo với đời hơn ai?"

Một cô con gái kiên quyết nói "Không!" khi cha mẹ ép buộc phải lấy chồng, cô ấy đang chiến đấu.
Một người thanh niên vẫn nhiệt huyết với công việc mà mình yêu thích mặc sự phản đối của gia đình, anh ta đang chiến đấu.
Một cậu học sinh đứng chắn trước mặt người bạn đang bị bạo lực học đường, cậu ấy đang chiến đấu.
Một chú rể kiên quyết phản đối hủ tục "náo hôn" theo yêu cầu của một người đàn ông khá lớn tuổi trong dòng dõi nhà mình, anh ấy đang chiến đấu.
Một bác sĩ khoa phụ sản từ chối tiết lộ giới tính của thai nhi cho người quen, hàng họ, chị ấy đang chiến đấu.
Một anh HR chống lại chính sách nhân sự sặc mùi kì thị giới tính của cấp trên, anh ấy đang chiến đấu.
Một người đồng tính vẫn đứng ra chống lại sự khinh thường không dành riêng cho chính mình, anh ấy đang chiến đấu.

Lịch sử được đắp bồi bởi mỗi một con người. Mỗi một lần kiên trì, mỗi một lần phản kháng đều là những cánh bướm đang vỗ nhẹ.
Mỗi một sự cố gắng bé nhỏ đều có thể thay đổi một khoảng đời.
Vậy là bánh răng tiến về phía trước của thời đại lại được đẩy lên, di chuyển một chút ít.
Và sự cố gắng của vô số con người tạo ra vô số những chút ít, chiếc bánh răng khổng lồ kia sẽ ầm ì chuyển động.

Có lẽ, thứ mà chúng ta nhận được sẽ là chiếc roi đạo đức mang tên Bất Hiếu, là cái lắc đầu chê trách của bạn bè "Sao cậu không biết ý gì thế nhỉ?", là ánh mắt như nhìn thấy quái vật, là cái cười khinh khi "Tao ăn muối còn nhiều hơn mày ăn cơm đấy".
Có lẽ, chúng ta chỉ có thể sưởi ấm cho nhau trên mạng xã hội.
Nhưng thế thì sao nào, tôi vẫn luôn cảm thấy cuộc tấn công cô độc kia vô cùng lãng mạn.

Lời của tiên sinh Lỗ Tấn vẫn văng vẳng bên tai: "Nếu không có ngọn đuốc rực lửa, thì tôi chính là ánh sáng duy nhất chốn này."

Tôi muốn đích thân thay đổi thời đại này.
Tôi muốn làm một vị anh hùng chẳng để lại họ tên.
Tôi muốn trở thành một đốm lửa sáng giữa thế gian tầm thường này.

Tôi biết mọi người rất cô độc, tôi cũng vậy.
Nhưng đừng từ bỏ nhé, dù là vì bản thân, hay vì thiên hạ.
Đốm lửa con con, rồi cũng sẽ thiêu đốt cả một vùng.

Nguồn: 写不出稿苏见祈 
Dịch: Linh Lung Tháp