Tuesday, 3 July 2012

Hội chứng “thây ma sống” - Nodding Syndrome in Uganda

Căn bệnh kỳ lạ ở Uganda: Hội chứng “thây ma sống” 

Tại phía bắc Uganda, trên 4.000 trẻ em được phát hiện mắc phải một căn bệnh hiếm chết người không chữa được gọi là "Hội chứng gật đầu", hay "Hội chứng zombie (thây ma sống)", tác động đến thần kinh. Các cộng đồng đang rơi vào hoảng loạn và một số người mất hy vọng hoàn toàn khi chuyên gia y tế không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Các ngôi làng trong khu vực Kitgum phía bắc Uganda là nơi tập trung đông đảo bệnh nhân loại này nhất hiện nay.


Ở làng Tumangu đang xảy ra dịch bệnh nguy hiểm mà từ năm 2009, giới quan chức y tế Uganda đã cố gắng nghiên cứu tìm hiểu nhưng không thành công và nó vẫn đang tiếp tục hoành hành tại một góc châu Phi này. Những đứa trẻ mắc bệnh giống như thây ma sống vô tri vô giác thường đi lang thang và không hề biết sợ những nguy hiểm chết người như lửa hay ao hồ sâu.


Francis Anywar thường ngồi trên bãi cỏ trước căn nhà mái tranh của mình như một người vô hồn, không nói một lời. Sức khỏe của cậu bé 15 tuổi này trở nên xấu đi nhanh chóng cách đây 8 năm và cũng từ đó sự phát triển tâm thần lẫn thể chất cũng ngưng hẳn lại.


Cách đó vài trăm mét, bà mẹ Betty Olana cũng cho biết đã mất hết hy vọng khi không có phương thuốc nào chữa bệnh cho hai đứa con nhỏ Sarah, 14 tuổi, và Moses, 12 tuổi của bà. Do “hội chứng gật đầu” tác động đến hệ thần kinh cho nên hai đứa con một trai một gái của bà Olana trông nhỏ hơn tuổi của chúng, buộc bà phải để mắt chăm nom cả ngày lẫn đêm và mỗi khi đi đâu, bà đều phải cột hai đứa trẻ vào gốc cây nếu không chúng sẽ mất mạng bất cứ lúc nào.


Những đứa trẻ mắc bệnh thường ngồi gục đầu xuống, thân mình co giật, mắt nhắm nghiền như đang hôn mê và thường bỏ đi lang thang bất chấp nguy hiểm. Chúng không còn khả năng tự chăm sóc bản thân nữa. Đã có nhiều đứa trẻ bị chết do không còn ý thức được hành động của mình nữa. 


Hiện nay, chính quyền miền Bắc Uganda đã cho thành lập các trung tâm kiểm tra và thử nghiệm điều trị bệnh tại mọi cơ sở y tế, nhưng nhiều gia đình do nghèo khó nên không có điều kiện đến được những nơi này. Cậu bé Ojok Samuel đã 9 tuổi nhưng trông cứ như đứa trẻ lên 4. Ông John Oboda, cha của cậu bé, cho biết Ojok Samuel lúc lên 2 tuổi rưỡi bắt đầu gật đầu liên tục mỗi khi được cho ăn và hiện nay Jaqueline Amony, đứa con gái 19 tuổi của ông cũng mắc phải triệu chứng tương tự. Tình trạng của Ojok Samuel không hề có chút cải thiện nào từ khi được đưa vào trung tâm điều trị thử nghiệm cách đây chừng một năm.


Trong trường hợp khác, cô bé 12 tuổi Nancy Lanwaka thường xuyên bị vấp té đến sưng cả mặt mày vì không nhận thức được nguy hiểm. Do đó Michael Odongkara, cha của cô bé, buộc phải xích con vào cột nhà để giữ an toàn tính mạng sau khi cô bé bị lạc trong rừng suốt 3 ngày.


Cô bé Nancy Lanwaka bị cha xích vào cột nhà.


Chứng bệnh bí hiểm từng xảy ra ở Tanzania trong thập niên 60 thế kỷ trước và trong những năm gần đây ở Nam Sudan ngành y tế hoàn toàn không lý giải được. Adong Josephine, y tá chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở Bệnh viện Kitgum cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận hai trường hợp trẻ bị bỏng khá nặng do bị ngã vào lửa mà không hề nhận thức cơ thể đang bị cháy! 


Một bệnh nhi bị bỏng nặng ở cả hai chân do bước vào lửa.


Những đứa trẻ mắc phải “hội chứng gật đầu” đều có triệu chứng như động kinh nên nhân viên y tế thường kê đơn thuốc chống co giật như Carbamazepine. Hiện ngành y tế Uganda đang thử nghiệm loại thuốc mới gọi là Sodium valproate để chữa chứng động kinh.


Giới quan chức y tế cho biết, một số trẻ bị hội chứng gật đầu được dùng loại thuốc này khi nhập viện và kết quả cho thấy trẻ bớt co giật hơn khá nhiều. Nhưng điều đáng buồn là sự phát triển cơ thể của bệnh nhi đã bị tổn hại không thể phục hồi được.


Tháng 11/2009, chính quyền Uganda kêu gọi sự giúp đỡ từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) ở Atlanta (Mỹ). Sau đó, một nhóm chuyên gia CDC đã xúc tiến công việc lấy mẫu bệnh ở Uganda về nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.


Theo Scott Dowell, Giám đốc phụ trách dịch bệnh toàn cầu và phản ứng nhanh của CDC và là chuyên gia trong cuộc chiến toàn cầu chống bệnh cúm gia cầm, hội chứng gật đầu là chứng bệnh động kinh phức tạp dạng mới do những biến đổi bất thường trong chức năng não bộ. Những đứa trẻ sống trong tình cảnh cực nghèo, không đủ thực phẩm, nước sạch và điều kiện vệ sinh thiếu thốn thường mắc phải căn bệnh bí hiểm này. 


Nguyên nhân gây bệnh gật đầu có lẽ do sự thiếu hụt các mô não, sóng não bất thường. Một giả thuyết cho rằng, bệnh phát triển do nhiễm một loại ký sinh trùng lây lan bởi giống muỗi hút máu thuộc họ Simuliidae - giống muỗi gây bệnh giun chỉ (onchocerciasis).


Trong một đợt bùng phát vào năm 2004, 9 trong số 10 đứa trẻ bộc lộ những triệu chứng nhiễm ký sinh trùng khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá tác động đến não và hệ thần kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia không giải thích được tại sao hội chứng gật đầu không xuất hiện tại những vùng có nhiều ký sinh trùng này.


Một số giả thuyết khác cho rằng căn bệnh bí hiểm phát sinh do nhiễm chất độc hóa học, thực phẩm nhiễm độc, thiếu một dạng vitamin B hay có các vấn đề về tâm thần. (?)


Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới, UNICEF và Bộ Y tế Uganda đang hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực chiến đấu với căn bệnh bí ẩn này. Khác với bệnh cúm gia cầm, “hội chứng gật đầu” không có dấu hiệu cho thấy có sự lây truyền từ người sang người và đặc biệt chỉ tác động đến trẻ em sống trong điều kiện thiếu thốn và vệ sinh nghèo nàn.


Bác sĩ Emmanuel Tanywa, chuyên gia kiểm soát dịch bệnh ở miền Bắc Uganda cho biết những trẻ mắc bệnh gật đầu thường còi cọc, chậm phát triển trí tuệ và ăn uống vô cùng khó khăn do bị co giật không kiểm soát và gật đầu liên tục. Theo ghi nhận của bác sĩ Tanywa, đối tượng trẻ em từ 5 đến 15 tuổi thường bị “hội chứng gật đầu”. Chính quyền Uganda đang lo sợ dịch bệnh gật đầu sẽ hủy diệt cả một thế hệ của đất nước




Source: http://www.baomoi.com/Can-benh-ky-la-o-Uganda-Hoi-chung-thay-ma-song/82/8309298.epi 

Additional Links:
Nodding disease (Wiki)
BBC 
Charts and Statistics
On News; Comments

No comments:

Post a Comment