Saturday 8 May 2021

Lạm dụng

Save để đây, nhiều người bạn cần đọc.

Trộm vía, tất cả những câu hỏi trong bài, mình đều có thể trả lời "không".

---

CÁC DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN CÓ THỂ LÀ NGƯỜI LẠM DỤNG TRONG MỐI QUAN HỆ


Nếu bạn nghĩ mình là người lạm dụng trong mối quan hệ, hãy tự hỏi bản thân những câu sau:


Bạn có...?

• Thường xuyên kiểm tra vị trí, bạn bè hoặc hoạt động của người kia?

• Chỉ trích hoặc xúc phạm người kia?

• Tin rằng bạn được phép đánh, xô hoặc tát người kia vì làm những việc bạn không thích?

• Tin rằng các hành vi không phù hợp hay hành vi bạo lực của bạn là do hành động của người kia mà ra?


Bạn đã bao giờ...?

• Đe doạ hoặc đập vỡ đồ đạc để làm người kia sợ?

• Dọa sẽ rời đi hoặc thật sự đã rời đi và để người kia ở lại một nơi nguy hiểm/không quen thuộc?

• Lái xe rất nhanh hoặc thiếu thận trọng để làm người kia sợ?

• Đấm, xô, đánh, bóp cổ, túm lấy, khống chế thể xác, đe dọa, uy hiếp, làm nhục, hạ bệ, chế nhạo hoặc ném đồ đạc vào người kia?

• Đổ rằng hành vi bạo lực hoặc lạm dụng đối với người kia là do rượu hoặc các chất gây nghiện khác?

• Đe dọa người kia để người kia theo ý bạn?

• Đe dọa làm hại bản thân nếu người kia rời đi hoặc chia tay với bạn?

• Cưỡng ép hoặc ép buộc người kia thực hiện các hành vi tình dục không mong muốn?


Nếu câu trả lời là “có” cho dù chỉ một câu hỏi ở trên đây, khả năng cao là bạn đang lạm dụng đối tác của mình. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ trước khi hành vi bạo lực và lạm dụng ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.

_______________________________

CÁC DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN CÓ THỂ LÀ NGƯỜI BỊ LẠM DỤNG TRONG MỐI QUAN HỆ


Nếu bạn nghĩ mình là người bị lạm dụng trong mối quan hệ, hãy tự hỏi bản thân những câu sau:


Bạn có...?

• Những lúc bị hành vi của người kia làm cho sợ hãi?

• Sợ việc phải không đồng ý với người kia?

• Thường xuyên xin lỗi người khác vì hành vi mà người kia làm với bạn?

• Bị người kia sỉ nhục bằng lời nói?

• Không thể gặp bạn bè hay gia đình do bị người kia ghen tuông hoặc kiểm soát?

• Sợ phải rời bỏ người kia vì người đó đe dọa làm tổn thương bạn hoặc doạ tự tử nếu bạn rời đi?

• Đôi khi cảm thấy mình phải bịa ra lý do để giải thích những hành vi của mình để tránh sự tức giận của người kia?

• Tránh tham dự các hoạt động gia đình/xã hội vì sợ người cách người kia sẽ cư xử?


Bạn đã bao giờ…?

• Bị đấm, xô, đánh, bóp cổ, túm lấy, khống chế thể xác, đe dọa, uy hiếp, làm nhục, hạ bệ, chế nhạo hoặc ném đồ đạc vào người?

• Bị cưỡng ép hoặc ép buộc thực hiện các hành vi tình dục không mong muốn?


Nếu câu trả lời là “có” cho dù chỉ một câu hỏi ở trên đây, bạn có thể đang bị lạm dụng bởi đối tác của mình. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ trước khi hành vi bạo lực và lạm dụng ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.

_______________________________

Ba chiến lược lạm dụng phổ biến nhất bao gồm: thể chất, lời nói và cảm xúc.


Các đối tác bạo hành có thể đánh đủ mạnh để để lại vết bầm, nhưng chỉ ở những bộ phận trên cơ thể nạn nhân mà người khác không nhìn thấy. Nạn nhân có thể chọn không nói ra, hoặc nạn nhân có thể không xem đó là bạo hành.


Những kẻ lạm dụng có thể tấn công bằng lời nói thay vì — hoặc đồng thời với — bạo hành thể chất. Các cuộc tấn công bằng lời nói có thể nhắm thẳng vào nạn nhân, hoặc có thể dưới hình thức những bình luận coi thường hay hạ nhục, hoặc những lời buộc tội không đúng sự thật nói với người khác về nạn nhân. Lạm dụng bằng lời nói là vô cùng đau đớn và ảnh hưởng của nó rất lâu dài. Các hành vi có thể được mô tả là lạm dụng bằng lời nói bao gồm la hét; hăm dọa; dọa nạt; chế giễu; chỉ mặt đặt tên để sỉ nhục; chỉ trích; buộc tội; xúc phạm; hạ nhục; chửi thề; đổ lỗi; coi thường; chế giễu; mỉa mai; nhận xét tiêu cực; và tầm thường hóa các ý tưởng, quan điểm hoặc mong muốn của nạn nhân. Tất cả đều là những hành vi lạm dụng và không có chỗ đứng trong mối quan hệ yêu thương.


Sự lạm dụng cảm xúc rất âm ỉ và tàn phá tâm lý đến mức có thể mất nhiều thời gian nhất để nhận định và chữa lành. Vết bầm tím, vết cắt, gãy xương hay cảm giác bị tổn thương hầu như luôn chữa lành nhanh hơn vết thương do lạm dụng cảm xúc. Chúng cố gắng làm cho nạn nhân cảm thấy không xứng đáng được yêu thương, kém hấp dẫn, không có kỹ năng tình dục và có lỗi vì đã gây ra hành vi lạm dụng đang xảy ra. Các hành động có thể cấu thành lạm dụng cảm xúc bao gồm ra lệnh (“Tôi mong em làm những gì tôi nói”); che giấu thông tin (“Tại sao tôi phải cho em biết tôi đang nghĩ hay cảm thấy gì?”); từ chối tình dục ("Tại sao tôi muốn làm tình với một người như em?"); cố tình diễn giải sai cảm xúc của nạn nhân (“Em không bị tổn thương đâu — ngưng phàn nàn đi”); hành vi rủi ro (sử dụng ma túy, thực hiện các hành vi nguy cơ cao như lái xe ẩu, không đi khám khi cần thiết); từ chối sự giúp đỡ từ đối phương; ghen tuông thái quá; đe dọa tự tử; đe dọa làm tổn thương hoặc giết đối tác, bạn bè, người thân hay vật nuôi; và chịu trách nhiệm về tất cả các quyết định trong mối quan hệ.

_______________________________

THOÁT KHỎI MỐI QUAN HỆ LẠM DỤNG


Bạo lực trong các mối quan hệ thân mật thường không phá hủy một mối quan hệ đủ nhanh, và nạn nhân có thể bị mắc kẹt trong các chu kỳ quan hệ lạm dụng và bạo lực suốt một thời gian dài: nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Bạo lực trong các mối quan hệ thân mật chỉ nhằm một mục đích: kiểm soát tối đa và toàn bộ nạn nhân. Việc lạm dụng/bạo lực và mối đe dọa rằng chuyện này sẽ còn xảy ra nhiều hơn trong tương lai thường tạo cho nạn nhân nỗi sợ hãi đến nỗi việc cố gắng trốn thoát trở nên bất khả thi.


Nhiều người tin rằng khi một mối quan hệ đã trở nên bạo lực, nạn nhân chỉ cần rời bỏ là xong. Tuy nhiên, rời bỏ một mối quan hệ lạm dụng thường không đơn giản. Bạo lực trong các mối quan hệ thân mật là một vấn đề rất nghiêm trọng và phức tạp, nên nói thì dễ, chứ việc trốn thoát khó khăn hơn nhiều.


Nhiều người có thể sẽ thấy lạ vì những người bị cuốn vào một mối quan hệ bạo lực hay lạm dụng thậm chí có thể không hề nhận ra gì cả, mãi đến khi sự lạm dụng đã leo thang đến mức thực sự nguy hiểm về thể chất. Thậm chí sau đó, nạn nhân có thể không tìm được cách thoát khỏi khung cảnh bạo lực vì bị phụ thuộc quá nhiều vào kẻ bạo hành, sợ bị bỏ lại một mình và không có phương tiện tài chính, sợ tình trạng bạo lực sẽ tồi tệ hơn hoặc thậm chí chết người, hay lo lắng cho những đứa trẻ có thể là một phần trong mối quan hệ.


Thật không may, bạo lực trong mối quan hệ không có xu hướng giảm bớt hoặc biến mất theo thời gian; ngược lại, nhiều khả năng tình trạng sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Thông thường, cách duy nhất để chấm dứt bạo lực trong mối quan hệ là nạn nhân phải rời đi. Tuy nhiên, trớ trêu thay, nạn nhân của một mối quan hệ lạm dụng lại có nguy cơ bị bạo hành cao nhất khi cố gắng rời bỏ kẻ bạo hành. Phần lớn các vụ hành hung nghiêm trọng và giết người trong các mối quan hệ bạo lực xảy ra khi nạn nhân cố tìm cách rời khỏi hoặc đã rời khỏi kẻ bạo hành. Chỉ cần nghĩ một chút sẽ thấy điều này hợp lý. Hãy nhớ rằng, mục tiêu của hành vi lạm dụng là để kiểm soát người kia và thông thường, nhu cầu kiểm soát này bắt nguồn từ nỗi sợ bệnh lý của kẻ bạo hành rằng nạn nhân sẽ rời bỏ mối quan hệ. Khi nỗi sợ hãi đó trở thành hiện thực, cách duy nhất mà kẻ bạo hành biết là trở nên bạo lực hơn trong một nỗ lực tuyệt vọng để giành lại quyền kiểm soát đối với người đối tác đã bỏ đi.


Nạn nhân nên làm gì để được an toàn sau khi rời khỏi một mối quan hệ lạm dụng? Không ai có thể đưa ra bất kỳ đảm bảo an toàn nào, nhưng một số hướng dẫn có thể giúp ích:


1. Đánh giá mức độ nguy hiểm của kẻ bạo hành. Phân tích hành vi bạo lực trong quá khứ, những lời đe dọa gây ra về hậu quả của việc cố gắng bỏ đi, có sở hữu hoặc sử dụng vũ khí trong quá khứ, v.v.

2. Có kế hoạch trốn thoát. Tìm đường trốn thoát nếu kẻ bạo hành cố gắng tiếp cận tại nhà, tại nơi làm việc, nhà của người thân hoặc bất kỳ nơi nào khác có thể bị kẻ bạo hành cố gắng tiếp cận bằng bạo lực. Biết cách trốn thoát và biết rằng mình sẽ đi đâu. Điều này giúp nạn nhân đi trước kẻ bạo hành một bước trong việc kiểm soát và trả thù.

3. Tạo một mạng lưới an toàn gồm những người đáng tin cậy. Luôn có sẵn số điện thoại của họ. Tìm cách mà họ có thể cung cấp một nơi để ẩn náu hoặc các hình thức trú ẩn khác khỏi kẻ bạo hành.


Những biện pháp này nghe có vẻ quyết liệt, nhưng bạo lực nghiêm trọng và thậm chí giết người là những khả năng rất thực tế xảy ra sau những mối quan hệ bạo lực.

_______________________________

YÊU LẠI ĐƯỢC KHÔNG?


Liệu một người đã trải qua một mối quan hệ bị lạm dụng khủng khiếp có bao giờ có thể tìm thấy sức mạnh để mạo hiểm một mối quan hệ thân mật một lần nữa không? Câu trả lời là có, nhưng thường thì con đường trở lại tình yêu đòi hỏi rất nhiều sự suy nghĩ và đánh giá cẩn thận. Một nỗi sợ hãi chung mà những người sống sót phải đối mặt là dính líu với một người lạm dụng hoặc bạo lực khác. Một dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy những người này đã sẵn sàng yêu và được yêu trong một mối quan hệ hạnh phúc, lành mạnh là họ có thể nói rõ những gì họ muốn từ mối quan hệ đó và những gì họ sẽ không bao giờ chịu đựng từ bạn đời nữa.

No comments:

Post a Comment