Saturday 11 February 2012

C'est la vie

Title: C’est la vie.
[Aka: Nghịch lý của sự lựa chọn – Tựa đề ăn theo The Paradox of Choise của Barry Schwartz]
Author: Bạch Tư Viên / white-chan
Genres: Tự trào
Status: 2 phân đoạn / Đã hoàn thành.

Link: http://vnfiction.com/viewstory.php?sid=2325






01. Con cáo già






Cuộc sống, vốn dĩ là một tập hợp của vô số các lựa chọn. Những lựa chọn vây quanh bạn hằng ngày, với cả phép màu và những điều bất hạnh. Lựa chọn có lúc sẽ trá hình một cô nàng nóng bỏng đầy hấp dẫn chạy đến vuốt ve bạn. Cũng có khi, lại ở dưới lốt một lão già lọm khọm với cây gậy chống đã cũ mèm và những triết lý còn cũ hơn cây gậy của lão. Lựa chọn có lúc là một tấm thảm da thú êm mượt dưới chân bạn, cũng có lúc sẽ là một miếng giẻ rách đã cáu bẩn nhàu nhì. Là gì cũng được, nhưng hãy tin tôi, bạn nên vui mừng đi. Vì ấy là bạn vẫn còn nhìn thấy chúng.


Có những lựa chọn trong cuộc sống, mà thậm chí bạn còn chẳng nhận ra. Ngay khi bạn phát hiện ra con cáo già thành tinh đã tàng hình này, thì hỡi ôi, cũng muộn mất rồi. Những con cáo già ranh ma luôn biết cách ẩn mình và dụ bạn vào tròng của chúng.

Trong những trường hợp thế này, thông thường, bạn sẽ được đưa ra trước hai cô gái đẹp. Một cô nàng lanh lợi, dễ gần, ngay trong tầm mắt bạn. Còn cô kia trầm mặc đứng đằng sau. Ôi dào, mà thậm chí bạn còn chả buồn bận tâm hay nhìn thấy cái cô đang đứng đằng sau kia ấy chứ. Thế rồi, bạn rước cô nàng lanh lợi kia về nhà, và, bập, bạn đã sập bẫy.



Một phương án bao giờ cũng có vẻ dễ dàng và nhanh chóng hơn phương án còn lại. Thậm chí trước cả khi phương án kia kịp lóe lên trong đầu bạn, thì bạn đã lựa chọn phương án đầu tiên mất rồi. Bạn thậm chí còn không nhận ra là mình đã lựa chọn. Mọi thứ diễn ra hiển nhiên đến nỗi bạn luôn cho rằng nó là điều tất yếu.


Và chúng ta làm tổn thương nhau. Hằng ngày. Bằng những tất yếu đó.




Không ngừng tổn thương. Và cũng không ngừng tổn thương người khác. Có buồn cười không?




Bạn lựa chọn bỏ thời gian săm soi bức tranh của một danh họa xa lạ nào đó trong khi hờ hững bỏ qua bức vẽ của người bạn ngay bên cạnh mình. Cho dù có thể bức vẽ đó chỉ dành tặng riêng bạn mà thôi? Ồ, tất nhiên rồi.

Bạn lựa chọn cố gắng hết sức cho một dự án mới mẻ, mong chờ lời tán thưởng, công nhận của cấp trên. Và bạn cũng lựa chọn dăm ba câu trả lời cho qua chuyện với bài kiểm tra toán điểm 10 của đứa con gái nhỏ? Ồ, tất nhiên rồi.

Bạn bỏ tiền, và cả ngày ngồi trong rạp hát để nghe một bản giao hưởng hòa tấu chi đó mà thậm chí còn chẳng nhớ nổi tên, nhưng không dành ra được 5 phút ngồi nghe đoạn nhạc của đứa em vừa mới tập? Ồ, tất nhiên rồi.


Luôn luôn có những lựa chọn dễ dàng và tất yếu.


Bạn không phải là người bạn lặng lẽ ôm bức vẽ quay vào phòng. Bạn không phải đứa bé gái khóc tủi hờn trên bài kiểm tra vừa nhận. Bạn cũng không phải đứa em đang nằn nì chị mình ngồi dăm phút thêm với nó.


Bạn không phải. Và đương nhiên, những lựa chọn thật dễ dàng.



Bạn đã quên mất, một lúc nào đó trong cuộc sống, bạn cũng từng là một trong số họ.




***




Có hai cô gái rất thân thiết với nhau. Một ngày nọ, họ giận nhau. Thế là, một người nằm trên giường trùm kín chăn. Một người vác xe đạp chạy lang thang dưới phố. Cả hai người, họ đều nắm chặt một chiếc điện thọai trong lòng bàn tay.


Chỉ cần một cuộc điện thoại thôi. Thậm chí không cần nói gì cả. Chỉ cần bạn gọi cho tôi…


Cả hai người họ đều yêu thương nhau. Yêu thương đủ lớn để bỏ qua tất cả mọi thứ, mọi khúc mắc. Chỉ cần một trong hai người lên tiếng…


Nhưng không có ai cả.



Họ chờ.




Cả hai cô gái ấy. Họ đều lựa chọn sự chờ đợi.


Nó hiển nhiên đến mức thậm chí cả hai người đã quên mất họ có thể là người bắt đầu.




Chờ đợi, hy vọng, yêu thương, đau lòng, tất cả những xúc cảm cứ vờn bắt nhau như thế. Cho đến khi sạm khô hết lại. Chỉ còn là những vết sẹo mãi không lành.



Yêu thương càng lớn, thương tổn lại càng nhiều.




Bẫy đã sập. Và con cáo già cười khà đắc thắng.




***




Hãy gọi phương án được lựa chọn dễ dàng hơn là X và cái còn lại là Y. Lúc này, cuộc sống sẽ được hình dung như một cỗ máy khổng lồ với những bánh răng mang mã số X lớn đang nghiến chặt vào nhau. Rải rác đâu đó, cũng có những bánh răng mang mã số Y, hoặc là nhỏ bé và yếu ớt, hoặc là đã được đặc cách thành trở một thứ kim loại kỳ lạ khác hẳn những thứ xung quanh.


Một câu hỏi đặt ra: sao thế giới lại nhiều bánh răng X đến vậy?



Thật ra thì, không phải không có những người thỉnh thoảng vẫn cố gắng theo đuổi lựa chọn Y cho bản thân. Nhưng phần đông trong số họ lại bị những cô nàng X tát vào mặt cho không kịp thở, đến nỗi cuối cùng phải từ bỏ nàng Y để giữ lấy cuộc sống an toàn cho chính mình. Một số ít khác thành công thì đã trở thành những hình tượng mà người ta nhìn vào và trầm trồ ngưỡng mộ, thay vì làm theo. Chẳng hạn như John G. Miller. Ồ, ông ta nổi tiếng thế giới, và trở nên giàu có với cô vợ Y dịu dàng, nồng mặn. Nhưng dù gì, với đa số nhân loại thì ông ta cũng chỉ là một thành phần khác lạ, mang giá trị chiêm ngưỡng và tham khảo. Đa số những kẻ lựa chọn Y sẽ bị đè bẹp và sớm quay về với cơ chế lựa chọn cũ. Và cuộc sống cứ thế lại tiếp diễn hằng ngày.




Bạn luôn cố gắng giữ cho mình vài bí mật riêng tư nhưng lại tò mò với những điều người khác giữ kín?

Bạn gắt gỏng với những người thân thiết nhất bên cạnh nhưng luôn cố gắng dịu dàng với phần còn lại của thế giới?

Bạn khao khát comment, nhưng luôn fav trong thầm lặng?



C’est la vie.




Lựa chọn ở xung quanh chúng ta.


Và nghịch lý cũng ở xung quanh chúng ta.


 ~*~ 


02. Những câu chuyện lan man








Có một câu chuyện trên Internet, rất ngắn như thế này: Một ngày nọ, em hỏi anh: “Giữa em và cuộc sống của anh, bên nào quan trọng hơn?”. Anh trả lời: “Đương nhiên là cuộc sống của anh.” Em vội vã quay lưng bước đi, không nhận ra rằng: Em là cuộc sống của anh.


Ồ, tôi biết, mấy chuyện như vầy chỉ có trong phim ảnh hay tiểu thuyết thôi. Trên thực tế thì anh trai sẽ chạy theo nắm tay chị gái, và coi câu trả lời ban nãy như một trò đùa không đúng lúc. Hoặc giả, cũng chẳng có anh trai nào ngốc đến nỗi đem câu trả lời đó mà phang vào mặt chị bạn gái mình.


Thế nhưng đến đây, tôi lại bật cười khi bất chợt nghĩ đến một căn bệnh cố hữu của dân nghệ sĩ, văn chương. Ấy là cái trò bóng gió. Có khi là yêu thương, có lúc là hờn dỗi, là trách cứ, tất cả đều được thể hiện bằng phương pháp phi ngôn ngữ thể thức trừu tượng hóa.


Vầng, bạn cố gắng hành động, hành động và hành động. Cố tỏ một thái độ hay dấu hiệu để người bên cạnh biết là bạn đang phật ý về một việc gì đó. Đều là dân viết lách với nhau cả, và bạn chắc mẩm là cái đứa kia nó cũng hiểu thôi. Vốn trời phú những kẻ viết lách thường có một tâm hồn nhạy cảm mà lại. Nhưng khốn nạn thay, nó lại chẳng hiểu mới chết người.


Rồi, cứ như thế.



Một người âm thầm âm thầm âm thầm bày tỏ…

không ngừng.



Một kẻ cũng vô tâm vô tâm vô tâm chẳng hiều,…

không ngừng.





Trong cuộc sống, có những chuyện, tốt nhất là nên thẳng thắn với nhau. Giống như chàng trai nên nói thẳng với cô gái rằng: Em là tất cả cuộc sống của anh. Và thế là cả hai bên cùng vui vẻ.



Đừng quá hy vọng vào một sự bày tỏ trừu tượng với người bên cạnh. Sẽ chẳng còn gì tuyệt hơn nếu người bên cạnh ấy của bạn có thể nhận ra và thấu hiểu, một kết cuộc happy ending đầy tính thơ mộng và lãng mạn mà con cáo già vẽ ra trước mắt bạn. Nhưng mà, tin tôi đi, ngay cả khi nói ra, chưa chắc người đối diện đã hiểu đúng những gì bạn muốn truyền đạt. Thế nên, đừng quá hy vọng vào thể thức trừu tượng trong câm lặng.


Chẳng ai muốn lựa chọn cho mình bi kịch bao giờ. Chẳng qua là con cáo già đã quá khôn ngoan mà thôi.




***




Câu chuyện thứ hai là về một chàng trai. Trong một đêm, trên đường đi bộ về nhà, chàng gặp hai đứa trẻ ăn xin ngồi thất thểu bên hè phố. Chàng trai sẵn bản tính nhân hậu, rất muốn giúp đỡ cho chúng. Nhưng ngặt nỗi, trong người chàng chẳng còn một đồng lẻ nào. Và chàng cũng không giàu có tới mức có thể đem cả một tờ 100$ đi làm từ thiện. Chàng trai suy nghĩ và quyết định sẽ quay lại khi có tiền lẻ vào ngày mai. Thế nhưng ngày hôm sau, khi chàng trở lại, hai đứa trẻ đã không còn ở đó nữa.

Chúng đã chết vì đói, vào giữa đêm hôm qua mất rồi.



Thực ra thì chàng trai không có lỗi. Nếu chàng biết trước hai đứa trẻ sẽ chết trong đêm ấy, tôi nghĩ rằng chàng cũng chẳng ngại gì mà móc ra một tờ trăm đô cho chúng. Nhưng chàng không biết, thế đấy.



C’est la vie.



Vấn đề ở đây không nằm ở chỗ chàng trai đã lựa chọn điều gì. Vấn đề là: mọi người đều lựa chọn giống như chàng. Lý do thì có thể đong thành hàng rổ: không tiện đường, không có thời gian, không có tiền lẻ,… hay thậm chí là: đang stress, đang không vui… hoặc đơn giản hơn: lười quá. Thế đấy, ai cũng có một lý do để lựa chọn phương án X. Và cuối cùng là: Đã chẳng có một ai bố thí cho hai đứa trẻ.



Mọi người đều lựa chọn giống nhau. Và cũng không ai có lỗi. Lỗi nằm ở con cáo già, vì ai bảo nó đã dụ dỗ quá nhiều người.




***




Nào, bây giờ hãy tạm quên các chàng trai và cô gái đi. Hãy tưởng tượng bạn là nhân vật chính trong câu chuyện mà tôi sắp kể đây.

Một buổi sáng như mọi buổi sáng, chẳng phải lễ lạt gì đặc biệt, bạn thức dậy. Người yêu đem đến cho bạn một bông hồng. Bạn hạnh phúc vô cùng, và cảm ơn không ngớt. Ngày thứ hai, vẫn một bông hồng bất ngờ từ người yêu, bạn vẫn hạnh phúc, và vẫn thầm cảm ơn một nửa của mình. Ngày thứ ba, vẫn một bông hồng tuyệt đẹp như hai ngày trước đó, nhưng có vẻ như sự bất ngờ, hạnh phúc, và cả những lời cảm ơn đã giảm đi một chút. Ngày thứ tư, bạn bắt đầu chờ đợi. Và những ngày tiếp theo sau đó, thay vì vui mừng vì bông hoa nhận được mà chẳng nhân một dịp đặc biệt nào, bạn bắt đầu khó chịu vì có vẻ những bông hoa đến trễ hơn một chút so với thường lệ.

Từ bất ngờ đón nhận, từ biết ơn và hạnh phúc, lúc nào đó, bạn đã bắt đầu xem việc người yêu mình phải mang hoa đến là một chuyện tất nhiên? Đã từ lúc nào, sự chờ đợi của bạn lớn hơn, hạnh phúc của bạn nhỏ bé dần và những lời cảm ơn không còn nữa?

Từ lúc nào vậy?


Bạn cũng không còn nhớ nữa, phải không?



Đời sống thật muôn màu, và luôn có những điều đặc biệt một ai đó dành riêng cho bạn. Nhưng đến một lúc nào đó, vô tình hay cố ý, bạn đã xem nó như một chuyện tất nhiên. Giống như cô gái mà bạn vừa vào vai trong câu chuyện phía trên này. Cô gái đã cho rằng người yêu cô tất nhiên sẽ mang hoa đến. Khi những bông hoa không còn, với cô gái, đó là sự mất mát. Nhưng ngay cả khi còn những bông hoa, nó cũng chẳng có vai trò là một món quà nữa.


Một cái bẫy hoàn hảo để bạn chuyển dần từ Y sang X. Con cáo già đã ngụy trang khéo đến mức thậm chí bạn không biết mình đã bước vào bẫy từ lúc nào.




***




Câu chuyện cuối cùng là một câu chuyện về cam và táo. Đây thực ra là câu chuyện của một người bạn tôi (*). Chuyện thế này:

Có một người A và một người B rất thân thiết với nhau. Thân đến nỗi họ sẵn sàng chia sẻ với nhau mọi thứ. Tình cảm dạt dào, yêu thương dư dả. Nói chung là quan hệ khăng khít gắn bó đến mức độ lý tưởng. Người A có rất nhiều cam, nhưng chỉ có một trái táo. A hết mực yêu quý, nâng niu, trân trọng trái táo này. Có thể nói: trái táo là một báu vật của A. Ngày nọ, A đem trái táo trao cho B.

Trái táo được trao đi cùng tất cả mến yêu tha thiết, cảm tình sâu nặng, như một minh chứng cho tình cảm của A dành cho B.


Nhưng B không muốn táo. B muốn một quả cam.


B không biết A đã trao trái táo duy nhất của A cho mình. B chỉ biết A có rất nhiều cam, nhưng A đã không cho B một quả nào cả. Thế là, B cứ chờ mãi, chờ mãi, chờ đến một ngày A trao cho mình một quả cam.


Nhưng A vẫn nào đâu hay biết. A chỉ biết rằng A đã trao trái táo duy nhất mà mình hết mực nâng niu yêu quý cho B, nhưng B vẫn có vẻ không vui. A không biết phải làm sao nữa. Trái táo đó không đủ với B sao?


Rồi, một tên C ở đâu đó mọc ra. Hắn chạy lại và xin A một quả cam. Cam hả? A có nhiều lắm. Lại đang lúc chán đời, A quăng cho hắn một quả. C sung sướng cầm quả cam chạy đi… khoe với B: “Ố ồ, A mới cho mình một quả cam nè.”

B nhìn quả cam mà tủi thân hết sức. A với B thân nhau như vậy, chơi với nhau lâu như vậy, thế mà chưa bao giờ A cho B lấy một quả cam. Giờ đây một kẻ bá vơ nhảy vào, A lại đem quả cam cho hắn.


Giời ạ, đối với thằng A, bởi vì hắn có quá nhiều cam, nên một quả cam với hắn nào có nghĩa chi đâu. Hắn cũng nào biết được B lại muốn có một cái quả mà hắn vốn chả để ý đến bao giờ như thế? Nếu B nói ra, không chỉ một quả, hắn có thể cho B cả núi cam, cộng thêm gà sốt cam, vịt sốt cam hay lợn quay cam sành, ngỗng tiềm cam số dzách nữa ấy chứ. Nhưng hắn không biết. Và B cũng chẳng bao giờ nói ra.


Rồi ngày qua ngày…


Hai người họ cứ đơn phương hướng về nhau như thế.




Ấy là nếu cái bi kịch chỉ dừng lại ở đấy. Nghĩ tiếp một chút nhé. Giả sử lần này nhà B có rất nhiều táo. Và C hắn chạy lại xin B một quả. Thế là vốn sẵn hào hiệp, B quăng ngay cho hắn một quả táo trong kho nhà. Và chẳng ngờ là A biết được. Không cần phải nói, hẳn bạn cũng dễ dàng đoán được một bi kịch lớn lao khác lại bắt đầu.




Cam hay táo cũng giống như cách ta đối xử với nhau trong cuộc sống. Ta đối xử với người bên cạnh hoàn toàn theo logic và cảm nhận của bản thân. Ta cho họ cái ta muốn, không quan tâm đến cái họ cần. Vì sao vậy? Vì như thế thì đơn giản hơn nhiều. Hơn nữa, ai mà biết người kia cần gì cơ chứ, khi mà họ chẳng nói ra?

Nhận cam, hay táo, cũng giống như ta tiếp nhận tình cảm của những người xung quanh trong cuộc sống. Ta chỉ nhìn thấy thứ ta muốn nhận, đôi khi chẳng hề quan tâm giá trị của thứ họ đã cho ta. Vì sao vậy? Vì như thế thì đơn giản hơn nhiều.



Rốt cuộc thì con cáo già luôn tìm thấy nạn nhân của nó.




***




Chẳng phải vì yêu thương không đủ. Cũng chẳng tại hy sinh không tới. Chẳng qua chỉ bởi vì đã bị những bánh răng X lớn nghiền nát hết cả.

Để rồi, những yêu thương thì quằn quại, hy sinh thì vụn vỡ, những chờ đợi thì bị xé toạc, để lại những xúc cảm hoặc chai lì, hoặc tàn tật, hoặc mang những vết sẹo lớn chẳng cách nào lành.



Chẳng tại ai. Không phải do chàng trai, không phải do cô gái, không phải tại bạn, cũng chẳng phải tại tôi. Tất cả là tại con cáo già. Phải rồi, tất cả là tại nó.


Cứ đổ hết lỗi cho con cáo tinh quỷ quyệt.



Thế là xong.



Bởi vì, chung quy, nói cho cùng,…



Vốn đời nó thế!






C’est la vie/end.








(*) Câu chuyện này thuộc bản quyền của Kazuya (tức Phi Phi/Shadyside/SS…)

No comments:

Post a Comment